imageimage

ĐHCĐ Rồng Việt (VDS): Lãi trước thuế quý I/2022 ước đạt 130 tỷ đồng, nhiều đối tác trong ngoài nước muốn trở thành cổ đông lớn

image06-04-2022

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ 2022 Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - mã chứng khoán VDS) tổ chức ngày 5/4, ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch HĐQT cho biết, quý I, công ty đạt kết quả tích cực với doanh thu 300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 130 tỷ đồng.

Cụ thể, môi giới, cho vay margin tăng trưởng 45% so với cùng kỳ 2021, hoạt động đầu tư hiệu quả không bằng cùng kỳ (vốn đầu tư tăng lên) nhưng con số tuyệt đối về doanh thu tăng, mảng Ngân hàng Đầu tư (IB) chậm hơn vì một số deal kéo dài nên chưa ghi nhận được, hi vọng quý 2 tích cực hơn.

Kết quả này VDSC đạt được trong bối cảnh quý I/2022 TTCK ổn định, thanh khoản duy trì tốt 25.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên, mặc dù có các nhóm cổ phiếu tăng giảm mạnh như phân bón hóa chất, thép, thủy sản, khu công nghiệp…, nhưng các nhóm cổ phiếu chính là ngân hàng, bất động sản, đứng yên nên chỉ số chứng khoán biến động khá hẹp.

Theo đó, kết quả kinh doanh quý I của Rồng Việt đang bám sát kế hoạch cả năm, đạt 26%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022, Rồng Việt đặt mục tiêu doanh thu 1.193,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 504 tỷ đồng. Kế hoạch được xây dựng dựa trên nhận định VN-Index năm 2022 sẽ dao động quanh 1.340 - 1.750 điểm và thanh khoản bình quân thị trường khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng mỗi phiên.

ĐHCĐ Rồng Việt (VDS): Lãi trước thuế quý I/2022 ước đạt 130 tỷ đồng, nhiều đối tác trong ngoài nước muốn trở thành cổ đông lớn ảnh 1

Cổ đông lâu năm của Rồng Việt chia sẻ tại Đại hội: "Trong báo cáo kế hoạch Rồng Việt có bước đi lớn, lợi nhuận gần 400 tỷ đồng, nhưng năm nay có vẻ hơi đi lùi, nhưng tôi cũng hy vọng là lùi 1 bước tiến 2 bước. Vậy làm sao để làm được?. Trên thị trường chứng khoán, vốn hóa của cổ phiếu VDS là 3.600 tỷ đồng (cuối năm 2021), cũng cần đặt tham vọng vốn hóa 1 tỷ USD".

Về ngành chứng khoán, cổ đông này cho rằng, khi ta lớn lên thì các bạn xung quanh cũng bước nhanh và lớn cũng rất nhanh. Vì sao Rồng Việt mãi chưa có đối tác ngoại?

Ông Miên Tuấn chia sẻ, trong 3 năm gần đây, Công ty có một chút thay đổi, kế hoạch cũng vì vậy không phải là quá thận trọng. Năm 2021, dịch phức tạp hơn dự báo, kế hoạch 2021 là 180 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thấp hơn 2020. Thực tế, dịch bệnh và kinh tế khó khăn, nhưng cũng có điều kiện để TTCK phát triển khi thu hút được nhà đầu tư F0 trong mặt bằng lãi suất thấp. Kết quả là Rồng Việt lãi gấp 3 kế hoạch.

Theo ông Tuấn, trong năm 2022 cũng tương tự, thách thức hơn, đại dịch cả thế giới đã kiểm soát nhờ vắc-xin, nhưng hậu đại dịch thì bộc lộ nhiều vấn đề, như xung đột Nga - Ukraine, lạm phát bùng nổ trên thế giới và lây lan tới Việt Nam, qua đó ảnh hưởng tới TTCK. Chưa kể, mặt bằng giá cổ phiếu đang ở mức cao, không thuận lợi cho hoạt động tự doanh của CTCK.

Trong bối cảnh đó, ông Tuấn cho rằng, xây dựng kế hoạch sao cho thực hiện được và không quá áp lực cho cả hệ thống. So với năm ngoái thì có thể thấy thấp, nhưng trong điều kiện hiện nay và của Rồng Việt thì cũng là tích cực, vì trước đây có mơ cũng không tưởng tượng được mức lợi nhuận 500 tỷ đồng. Sắp tới đây, vốn điều lệ sắp tăng lên 2.100 tỷ đồng và cố gắng ROEa 20% - gấp 3 lần lãi suất gửi tiết kiệm – là rất nỗ lực.

“Không thể lấy kết quả thực hiện của 1 năm với nhiều điều kiện thuận lợi để đặt kế hoạch tiến đều bước cho các năm sau. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, và nỗ lực vượt kế hoạch, nội bộ Công ty cũng có mục tiêu lợi nhuận cao hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, năm 2021, điểm tích cực là cơ cấu thu nhập khá đều và bền vững, các hoạt động môi giới, cho vay và đầu tư chiếm tỷ trọng khoảng 30% mỗi hoạt động, IB khoảng 6,5% - tức không phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động đầu tư .

Rồng Việt theo trường phái đầu tư giá trị, không đầu tư theo tin đồn. Năm 2022, hoạt động đầu tư có ảnh hưởng, nên trong kế hoạch có phần cũng giảm mạnh ở mảng này. Tuy nhiên, kỳ vọng hiệu suất đầu tư trên vốn đầu tư bình quân vẫn ở mức 30%, cố gắng đa dạng bên cạnh đầu tư cổ phiếu niêm yết, sẽ kinh doanh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, mở thêm hoạt động đầu tư kinh doanh nguồn có hiệu quả tương đối 18-20%.

Về đối tác, ông Tuấn cho biết, như năm ngoái có chia sẻ, Rồng Việt không nôn nóng, vội vàng, mà xây nền tảng, đón tương lai. Năm nay với kết quả thành công, công ty chứng khoán khác đều tăng năng lực tài chính, Rồng Việt cũng tăng nhưng theo phù hợp theo khả năng của mình, không ào ạt.

Ông Tuấn cho rằng, công ty nào cũng muốn có thêm bạn bè, đối tác, bổ sung năng lực tài chính. Tuy nhiên, cũng phải kiếm được đối tác phù hợp với định hướng phát triển, văn hóa của Rồng Việt.

“Rồng Việt vẫn mở cửa cho các đối tác, nếu điều kiện chín muồi thì biết đâu đó sẽ có đối tác. Còn hiện nay chưa có gì cụ thể. Trong quá khứ, có nhiều đối tác tiếp cận nhưng họ đòi mua thâu tóm nên không phù hợp công ty”, ông Tuấn nói.

Sau khi tăng được vốn lên 2.100 tỷ đồng trên nền tảng hệ thống, nhân sự và mô hình kinh doanh, nếu hấp thụ nguồn vốn tăng thêm để duy trì ROEa tốt thì hoàn toàn có điều kiện tăng nhanh mạnh năng lực tài chính, có cơ hội bắt tay với đối tác phù hợp. "Thực chất cũng có nhiều đối tác trong nước muốn là cổ đông lớn Rồng Việt. Chúng tôi cũng cân nhắc, để phù hợp, đảm bảo chiến lược phát triển của công ty", ông Tuấn nói.

Tại đại hội, cổ đông cũng đặt câu hỏi về góc nhìn, đánh giá của Rồng Việt về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và kế hoạch cho mảng này.

Ông Tuấn cho biết, 3-4 năm gần đây thị trường này phát triển. Số lượng trái phiếu doanh nghiệp đã và đang phát hành là 12 triệu tỷ đồng, nhóm phi tài chính phát hành gần 800.000 tỷ đồng. VDSC mới tham gia 2 năm nay, nhưng quan điểm công ty khi tham gia mảng này là cẩn trọng, cấu trúc và tìm được sản phẩm phù hợp giữa rủi ro và lợi nhuận, làm với doanh nghiệp lớn, báo cáo kiểm toán quốc tế, doanh thu - lợi nhuận vững và có tài sản.

Các trái phiếu do VDSC làm, đầu tư, thu xếp, phân phối cho khách hàng thì Rồng Việt cũng đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay VDSC tự tin là có nhận thức, chuẩn bị kỹ, để trong trường hợp có rủi ro thị trường thì công ty ít bị ảnh hưởng nhất.

Liên quan đến khối công ty chứng khoán đang manh nha copy trading, có là xu hướng mới và ảnh hưởng gì tới hoạt động của Rồng Việt không? Theo ông Tuấn, đây là mô hình hay, TTCK hấp dẫn thì có nhiều nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực này, nhiều CTCK được mua lại và đầu tư lớn – có định hướng, sáng kiến kinh doanh mới.

Rồng việt thì kết hợp truyền thống và xu hướng mới, và quan trọng nhất là tạo giá trị cho cổ đông, khách hàng và bên liên quan, kiến tạo tương lai thịnh vượng lâu dài.

Copy trading hiện công ty chưa làm, nhưng bước đầu giới thiệu khách hàng các sản phẩm đầu tư theo phương pháp luận, triết lý đầu tư Rồng Việt với cấu trúc và thiết kế sản phẩm phù hợp với khẩu vị rủi ro và kì vọng lợi nhuận từng khách hàng.

ĐHCĐ cũng đã thông qua phương án phát hành thêm 104,9 triệu cổ phiếu để qua đó tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.100 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty dự kiến sẽ phát hành 36,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 100:35); phát hành 10,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 10:1). Nguồn vốn thực hiện trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2021.

Song song đó, Rồng Việt sẽ thực hiện chào bán thêm 52,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền (tỷ lệ 2:1) và phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), cùng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động bảo lãnh phát hành, hoạt động đầu tư và hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ/ứng trước.

Để đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu và phù hợp định hướng phát triển trong giai đoạn tới, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc đổi tên công ty con do Rồng Việt sở hữu chi phối 51%. Cụ thể Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Long (VDFM) sẽ được đổi tên thành Công ty cổ phần Quản lý quỹ Rồng Việt (VDAM).

(Theo Đầu tư Chứng khoán Online)

imageimage
image 31