imageimage

ĐHĐCĐ Rồng Việt (VDS): Quý I/2024 lãi sau thuế tăng trưởng 97%, phát hành riêng lẻ 81 triệu cổ phiếu

image26-04-2024

(ĐTCK) Kết thúc quý I/2024, Rồng Việt ước tính doanh thu 283 tỷ đồng, tăng 88%; lãi sau thuế 110 tỷ đồng, tăng 97%. So với kế hoạch cả năm, thì thực hiện được 38% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Kết quả trên được Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS – sàn HOSE), ông Nguyễn Miên Tuấn chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức ngày 8/4.

Một trong những nội dung đáng chú ý được thảo luận và thông qua tại ĐHĐCĐ là kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 3.240 tỷ đồng trong năm 2024.

Cụ thể, Rồng Việt chia thành 2 đợt phát hành. Đợt 1, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức với tỷ lệ 11,5% mệnh giá và phát hành 8,85 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 4,21% vốn điều lệ) theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đợt 2, VDS chào bán riêng lẻ tối đa 81 triệu cổ phiếu cho đối tượng là nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh của Công ty.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

ĐHĐCĐ đã giao và ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, đồng thời giao HĐQT đàm phán, quyết định giá chào bán cụ thể với điều kiện không thấp hơn giá trị thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị sổ sách của Công ty tại thời điểm gần nhất.

Việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ giúp Công ty chủ động, linh hoạt hơn trong sử dụng nguồn lực tài chính, giảm áp lực huy động vốn từ các nguồn khác, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường và tận dụng tốt hơn các cơ hội đầu tư. Nguồn vốn thu được sẽ sử dụng cho các hoạt động giao dịch ký quỹ, ứng trước, tự doanh/ bảo lãnh phát hành, tham gia hoạt động thị trường trái phiếu...

Trong năm 2024, Rồng Việt nhận định chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 1.080 – 1.380 điểm và thanh khoản bình quân 18.000 – 20.000 tỷ đồng/phiên. Theo đó, Công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 (hợp nhất) với tổng doanh thu 983 tỷ đồng và chi phí 623 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,3% và 49% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 360 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh tiếp tục tập trung vào 5 trụ cột chính là kinh doanh môi giới, cho vay, ngân hàng đầu tư, đầu tư và quản lý tài sản (thông qua công ty con là CTCP Quản lý quỹ Rồng Việt).

Ngoài ra, theo tờ trình phân phối lợi nhuận được ĐHĐCĐ thông qua, Rồng Việt sẽ trích 0,75% lợi nhuận sau thuế riêng năm 2023 (tương đương gần 2,5 tỷ đồng) và dự kiến 1% lợi nhuận sau thuế riêng năm 2024 cho Quỹ thiện nguyện nhằm tăng cường nguồn ngân sách cho các chương trình vì cộng đồng đã được Rồng Việt duy trì trong suốt 13 năm qua là “Chia sẻ yêu thương” và “Đồng hành đến trường – Chắp cánh ước mơ”.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, Rồng Việt ghi nhận tổng doanh thu đạt 831,1 tỷ đồng, tổng chi phí ghi nhận 418 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 330,2 tỷ đồng, vượt 52,4% so với kế hoạch được ĐHĐCĐ giao phó (216,6 tỷ đồng).

Về quy mô, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Rồng Việt tại 31/12/2023 lần lượt đạt 5.318 tỷ đồng và 2.418 tỷ đồng, tăng 25,0% và 16,1% so với đầu năm và đều là các mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của Công ty. Các chỉ số tài chính tiếp tục được duy trì ổn định và đảm bảo an toàn, trong đó, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 1,2 lần (quy định tối đa 5 lần), tỷ lệ dư nợ cho vay margin/vốn chủ sở hữu đạt 0,92 lần (quy định tối đa 2 lần) và tỷ lệ an toàn tài chính là 430,3%, cao hơn nhiều so với mức quy định (180%).

Tỷ lệ ROEa và ROAa của Rồng Việt lần lượt đạt 14,67% và 6,90%, EPS đạt 1.573 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm các công ty chứng khoán có hiệu quả hoạt động cao nhất. Nhờ vậy, cổ phiếu VDS của Rồng Việt thuộc nhóm 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HOSE trong năm 2023.

Đại hội đồng cổ đông năm tài chính 2023 cũng đã thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11,5%, cao hơn so với kế hoạch dự kiến là 5%.

Năm 2023, Rồng Việt đã khẳng định vị thế trên thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều dấu ấn và thành tựu nổi bật. Chẳng hạn, Công ty tiếp tục nâng cao uy tín qua 4 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ thành công với tổng giá trị thực hiện hơn 2.500 tỷ đồng, hoàn tất đưa 6 mã trái phiếu vào hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ của HNX.

Thảo luận tại Đại hội:

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch HĐQT Rồng Việt trả lời các thắc mắc của cổ đông.

Ông Nguyễn Miên Tuấn

Các sản phẩm, dịch vụ gì mới nổi trội, đặc sắc trong năm 2023 của Công ty?

Năm 2023, các sản phẩm dịch vụ tập trung 3 nhóm sản phẩm công nghệ, sản phẩm đầu tư và sản phẩm tài chính.

Sản phẩm công nghệ: Công ty cải tiến app giao dịch chứng khoán, ra mắt hệ thống giao dịch mới iDragon pro với tính năng, tiện ích tốt hơn; cải thiện bảng giá chứng khoán…, hoàn thiện các sản phẩm hỗ trợ hoạt động đầu tư của khách hàng, như smartDragon, hiDragon, eduDragon…

Sản phẩm đầu tư: Công ty hoàn thiện sản phẩm smartPortfolio, cập nhật hàng tháng, giới thiệu tới khách hàng tham khảo theo nhiều chủ đề như thận trọng, cân bằng, tăng trưởng, các chủ đề theo định giá, theo ngành…

Sản phẩm tài chính: Trong quý IV/2023 có ra mắt sản phẩm M15 liên quan cho vay margin với mục đích tạo nhiều thuận lợi, tiết giảm chi phí cho nhà đầu tư có khuynh hướng thích giao dịch nhiều.

Khi được bổ sung thêm năng lực tài chính, thì Công ty tiếp tục đầu tư để nâng cấp các sản phẩm này, để tăng hiệu quả đầu tư và tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Tại sao Công ty đưa ra kế hoạch 2024 với doanh thu tăng trưởng, nhưng chi phí tăng cao hơn nên lợi nhuận giảm?

Khi xây dựng kế hoạch dựa trên đánh giá về thị trường trên kịch bản dự báo thanh khoản xấp xỉ 18-20 nghìn tỷ đồng, riêng trong quý I đang tốt hơn dự báo; và giả định thứ 2 là biến động VN-Index trong khoảng 1.080 – 1.380 điểm, Công ty đưa kế hoạch doanh thu 983 tỷ đồng, tăng 18,3%, gần như các mảng kinh doanh chính đều tăng trưởng.

Còn chi phí, năm 2022 có khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư; sang năm 2023 giá cổ phiếu hồi phục nên chi phí dự phòng giảm giúp tổng chi phí giảm. Năm 2024, con số chi phí này chưa tính đến các kịch bản phải dự phòng.

Năm nay có thể có diễn biến tích cực hơn, trong quý I đang cho thấy dự báo đúng, nhưng bối cảnh kinh tế, địa chính trị vẫn còn phức tạp, nên quan điểm HĐQT muốn đặt kế hoạch kinh doanh là ở mức thận trọng, còn khi thị trường thuận lợi thì dĩ nhiên nỗ lực hết sức để kết quả kinh doanh tốt hơn.

Công ty đã đưa ra phương án phát hành tăng vốn, vậy tăng vốn phục vụ chính cho những mảng nào?

Trong 2022, Công ty có tăng vốn từ 1.051 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng cho tới nay - vị thế so với các công ty chứng khoán khác thì Rồng Việt đứng khoảng thứ 25, khá khiêm tốn, một số hoạt động cũng bị ảnh hưởng, giảm cạnh tranh đặc biệt môi giới và cho vay do quy mô vốn (dù rằng hiệu quả hoạt động ROEa 14,7% cũng nằm trong top đầu CTCK trên thị trường), trong khi nhiều công ty chứng khoán trên thị trường có kế hoạch tăng vốn trên 10.000 tỷ đồng.

Trong suốt 17 năm thành lập, Rồng Việt đã xây dựng được hệ thống kinh doanh với nền tảng vững chắc với các mảng kinh doanh có hiệu quả.

Theo đó, Công ty có kế hoạch gia tăng quy mô vốn theo 3 hình thức như trên để tăng năng lực tài chính, bổ sung vốn cho vay margin, ứng trước, tự doanh, bảo lãnh phát hành, cho hoạt động kinh doanh nguồn vốn. Phần nhiều trong cấu trúc sử dụng vốn thì vốn chủ sở hữu khoảng 60% tối đa cho tự doanh, phần nhỏ cho đầu tư tài sản cố định (bao gồm cả hệ thống công nghệ), thì phần lớn vốn vay và một vốn chủ sở hữu phân bổ hoạt động cho vay ứng trước, margin.

Hoạt động cho vay margin trong 5 năm gần nhất, chính sách của Rồng Việt khá thận trọng, nên cả trong giai đoạn khó khăn như 2022 thì không gặp quá nhiều trong rủi ro trong hoạt động cho vay margin.

Về kế hoạch phát hành chứng quyền sẽ mang lại lợi thế gì cho Rồng Việt, có chiến lược gì để kiếm lợi nhuận từ nghiệp vụ này?

Thời gian qua, khi CW ra đời thì Rồng Việt chưa đủ điều kiện triển khai sản phẩm này. Trong khi đó, theo thủ tục theo yêu cầu của UBCKNN là phải thông qua ĐHCĐ để công ty có thể phát hành và kinh doanh CW.

Theo nghiên cứu của Rồng Việt thì mảng này đóng góp doanh thu CTCK chưa đáng kể, nên 2024 Rồng Việt bước đầu triển khai để có độ bao phủ về sản phẩm dịch vụ, có thêm lựa chọn cho khách hàng.

Trên BCTC 2023, Rồng Việt ghi nhận một số khoản đầu tư lớn vào MWG, DBC, CMG…, ở mục AFS thì hiện thực hoá lợi nhuận chưa, nếu chưa thì khi nào?

Công ty có thanh hoán một phần, như DBC, CMG xác định một phần đầu tư ngắn hạn, một phần trung, dài hạn. Báo cáo chi tiết quý I/2024 cổ đông sẽ thấy rõ.

Danh mục tự doanh Rồng Việt cầm khá lớn cổ phiếu DBC, Công ty có kỳ vọng tăng trưởng nào từ cổ phiếu này?

Tính từ năm ngoái đến nay, cổ phiếu DBC từng có diễn biến tăng hơn 100%.

Theo quan điểm đầu tư của Rồng Việt, đánh giá doanh nghiệp có nền tảng, bị định giá thấp thì đầu tư; lúc thị trường định giá hợp lý thì có thể giảm bớt để tìm cổ phiếu khác đang có định giá hấp dẫn hơn.

Tình hình dư nợ cho vay margin quý I/2024 của Công ty, chất lượng cho vay ra sao?

Dư nợ bình quân tăng 15% so với năm 2023, cuối tháng 3/2024 tăng 23% so với cuối năm 2023. Năm 2024 tăng năng lực tài chính thì sẽ thúc đẩy thêm mảng này, phát triển thêm khách hàng, qua đó tăng doanh thu môi giới, margin.

Theo Rồng Việt, hệ thống KRX có đưa vào hoạt động như dự báo, và điều này sẽ ảnh hưởng ra sao tới ngành chứng khoán và công ty nói riêng?

Theo lịch trình test với 2 Sở và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán, thì ngày 9/4 là ngày test cuối cùng đợt 2, không thay đổi thì sẽ vận hành vào đầu tháng 5 theo tinh thần chung của các đơn vị tham gia dự án. Các CTCK tham gia đợt test lần này thì đều hoàn thành 100% bài test.

Xét về hệ thống thì khi KRX vận hành, sẽ có nhiều sản phẩm mới là bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày, buy-in…, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Với các sản phẩm mới này thì tác động nhiều tới thanh khoản thị trường như bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày…, sẽ giúp các CTCK hưởng lợi.

Định hướng của Rồng Việt cho mảng tự doanh, quản trị rủi ro ra sao, khi số tiền phân bổ cho của tự doanh cho thấy 50% cổ phiếu, 50% trái phiếu, có vẻ không tận dụng được cơ hội thị trường?

Tôi có chia sẻ phía trên, định hướng trong hoạt động đầu tư của Công ty là triển khai nhiều hoạt động đầu tư cùng lúc, cổ phiếu, trái phiếu, kinh doanh nguồn vốn (chủ yếu đối với việc nắm giữ trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngân hàng để thực hiện kinh doanh nguồn).

So với cuối 2023 thì việc đầu tư trái phiếu, giá trị nắm giữ không còn lớn, đã thanh toán khá nhiều, TPDN đang nắm giữ còn hơn 50 tỷ đồng, phần lớn hiện nay đầu tư cổ phiếu niêm yết.

Định hướng của Rồng Việt là tuỳ vào giai đoạn thị trường, khi thị trường giảm sâu, định giá hấp dẫn thì tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, có thể lên đến tối đa 50 -60% vốn chủ sở hữu, còn khi định giá cao, rủi ro cao, thì giảm tỷ trọng này.

(Theo Đầu tư Chứng khoán Online)

imageimage
image 321