imageimage

Dự cảm TTCK cuối năm 2015 trước biến động của tỷ giá và giá dầu

Sáng nay (9/9/2015), Bà Đoàn Thị Thanh Trúc – Giám đốc Phân tích Rồng Việt và các khách mời của Báo Đầu tư Chứng khoán đã có mặt tại trụ sở Báo Đầu tư, 47 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội và trụ sở Sở GDCK TP. HCM (HOSE), 16 Võ Văn Kiệt, quận 1, TP. HCM để tham gia diễn đàn giao lưu trực tuyến chủ đề “Dự cảm TTCK cuối năm 2015 trước biến động của tỷ giá và giá dầu”.

 Bà Đoàn Thị Thanh Trúc – Giám đốc Phân tích Rồng Việt (thứ 3 từ phải qua) cùng với các đại biểu tham gia diễn đàn

 Một trong những diễn biến quan trọng đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và các DN trên TTCK Việt Nam là sự suy giảm giá dầu và biến động tỷ giá đồng Việt Nam cũng như một số ngoại tệ khác. Biểu hiện cụ thể nhất là sự trồi sụt bất thường của chỉ số chứng khoán trong nhiều phiên giao dịch gần đây. Báo Đầu tư Chứng khoán đã tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Dự cảm TTCK cuối năm 2015 trước biến động của tỷ giá và giá dầu” vào sáng hôm nay (9/9/2015) để nhà đầu tư cả nước trao đổi trực tuyến với lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chuyên gia Viện Dầu khí, lãnh đạo Sở GDCK TP. HCM, lãnh đạo DN niêm yết, đại diện các CTCK…, để hiểu hơn tình hình thực tại và định hướng đầu tư tốt hơn. Qua đó, nhà đầu tư cũng như các thành viên thị trường tiếp cận thông tin trực diện từ DN và có những phân tích đa chiều, sâu sắc về những diễn biến lớn.

 Bà Đoàn Thị Thanh Trúc – Giám đốc Phân tích Rồng Việt tại diễn đàn

 

Rồng Việt xin trích một số câu hỏi tiêu biểu của các nhà đầu tư và phần trả lời của Bà Đoàn Thị Thanh Trúc – Giám đốc Phân tích Rồng Việt tại buổi giao lưu sáng nay.

 

12:02 09/09/2015

Nguyễn Chí Hiếu, HN: Thanh khoản TTCK đang giảm cùng với điểm số thị trường có xu hướng giảm trở lại. Rồng Việt có nhận định gì về diễn biến TTCK trong những phiên tới?

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc: Thật ra, TTCK trong 2 phiên gần đây đã có sự phục hồi về điểm số, tuy nhiên thanh khoản vẫn ở mức thấp. Sự phục hồi điểm số chủ yếu được dẩn dắt và chi phối bởi nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn của ngành ngân hàng không hoàn toàn lạc quan, nên việc tăng nhanh của cổ phiếu ngành này sẽ kích thích việc chốt lời. Khi đó, thị trường sẽ trở lại trạng thái giao dịch zic zắc, xanh đỏ đan xen.

Chúng tôi kì vọng sau ngày 18/9 (ngày họp của Fed về việc tăng lãi suất và các quỹ ETF hoàn tất kì tái cấu trúc danh mục lần thứ 3) thì thị trường mới xác định xu hướng rõ ràng hơn.

 

11:53 09/09/2015

Tràng Tuân, HN: Đại diện CTCK Rồng Việt có thể cho biết động thái mua bán của khối ngoại trong thời gian gần đây đối với các cổ phiếu dầu khí hay không? Cụ thể, những mã nào đang được mua/bán mạnh? NĐT nên quan tâm đến những mã cổ phiếu dầu khí nào?

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc: Trong tháng 8, tổng giá trị bán ròng nhóm cổ phiếu dầu khí của NĐT nước ngoài là khoảng 205 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, NĐT nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 177 tỷ đồng đối với nhóm cổ phiếu thuộc phân ngành này.

Những mã bị bán nhiều nhất là PVS (148 tỷ đồng), PVD (117 tỷ đồng) và GAS (64 tỷ đồng). Các mã được khối ngoại quan tâm mua ròng có PLC (11 tỷ đồng), PVC (5 tỷ đồng).

Về câu hỏi NĐT nên quan tâm đến mã nào, chúng tôi đã trả lời trong một câu hỏi khác tương tự.

 

11:49 09/09/2015

Đỗ Duy Khánh, HN: Cách đây gần 2 tháng, CTCK Rồng Việt có bản phân tích rất kỹ PVD và khuyến nghị tích lũy cổ phiếu này đầu tư trong trung hạn. Vừa qua, giá PVD giảm xuống gần 30.000 đồng/CP, hiện phục hồi lên 35.000 đồng/CP. Theo Rồng Việt, liệu mức giá hiện tại có phải là vùng đáy của cổ phiếu PVD trong trường hợp giá dầu không giảm sâu thêm?

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc: Vừa qua, với những diễn biến bất ngờ của giá dầu, cổ phiếu PVD đã giảm về mức thấp nhất năm và cách xa giá trị sổ sách của DN này.

Nhìn ở góc độ căn bản, đây là mức giá rất hấp dẫn, tuy nhiên thời điểm đầu tư phụ thuộc vào triển vọng của giá dầu và thời gian nắm giữ mong muốn của NĐT.

Chúng tôi hiện chưa điều chỉnh mức giá mục tiêu của cổ phiếu này, nhưng đã điều chỉnh thời gian đầu tư từ trung hạn thành dài hạn.

 

11:41 09/09/2015

Ngô Văn Mạnh, HN: Chào bà Trúc, xin bà cho biết, giá cổ phiếu dầu khí biến động thuận chiều theo diễn biến giá dầu, nhưng mức biến động là khác nhau giữa các mã. Theo Rồng Việt, khi giá dầu giảm thì nên bán mã cổ phiếu dầu khí nào và khi giá dầu phục hồi thì nên mua mã nào?

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc: Trong nhóm các cổ phiếu dầu khí, hầu hết các cổ phiếu biến động thuận chiều, tuy nhiên cũng có các cổ phiếu biến động ngược chiều so với giá dầu điển hình là PLC (có beta âm với giá dầu). Các cổ phiếu ngành khí cũng có beta rất thấp so với giá dầu. Do đó, nếu giá dầu giảm có thể mua cổ phiếu có beta âm với giá dầu và bán các cổ phiếu có beta cao so với giá dầu và ngược lại.

Chi tiết số liệu tính toán beta của các cổ phiếu dầu khí so với giá dầu, NĐT có thể tham khảo báo cáo chiến lược tháng 9, trang 26 của Rồng Việt.

 

11:34 09/09/2015

Ngô Duy Thanh, HN: Thưa chuyên gia CTCK Rồng Việt: Tôi thấy vùng 520 – 560 điểm của VN-Index có lượng cầu/lượng giao dịch rất cao. Theo Rồng Việt, liệu 527 điểm ngày 25/8 có trở thành mức đáy của VN-Index?

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc: Mức đáy ngày 25/8 được tạo ra bởi một cú sốc, do đó để biết được mức 527 điểm có phải là đáy của VN-Index năm nay hay chưa, nhìn ở góc độ cơ bản, chúng ta cần phải xem xét liệu trong thời gian tới có cú sốc nào tương tự hay không. Tôi cho rằng tín hiệu cần quan sát là số liệu tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong 2 quý cuối. Nếu con số này không quá xa so với dự báo của IMF là 6,8% thì xác suất 527 điểm trở thành mức đáy của năm là cao.

 

11:30 09/09/2015

Ngô Thị Xâm, HN: Theo Rồng Việt, những ngành nghề nào có triển vọng mang lại kết quả khả quan trong 6 tháng cuối năm, NĐT nên đầu tư vào nhóm cổ phiếu nào?

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc: 6 tháng cuối năm thường là giai đoạn hạch toán doanh thu, lợi nhuận của các DN xây dựng, xây lắp (như CTD, FCN, LCG, HUT, PPI), viễn thông (ITD, ELC), bất động sản (KDH, BCI, VPH, ITC, CEO) và vật liệu xây dựng (BMP, DNP, DHA, KSB). Kết quả kinh doanh của các nhóm DN này có thể sẽ tích cực nhất trong quý cuối năm. Bên cạnh đó, các DN thuộc lĩnh vực kho vận, đại lí vận tải (VSC, HMH, MAC, SFI) và bán lẻ ô tô (SVC, HHS) cũng bắt đầu vào mùa kinh doanh sôi động từ tháng 9. Tuy vậy, việc quyết định đầu tư cần căn cứ thêm yếu tố định giá của DN.

 

11:18 09/09/2015

Nguyễn Thị Hoa, HN: Thưa bà Trúc: Rồng Việt nhận định những doanh nghiệp nào sẽ có kết quả kinh doanh quý 3 khả quan?

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc: Theo chúng tôi, các ngành du lịch, giải trí sau những nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách nước ngoài và du lịch nội địa vẫn tích cực trong thời gian qua, sẽ kì vọng có kết quả kinh doanh quý III khả quan. DN tiêu biểu cho ngành này là SKG.

Ngoài ra, các DN được hưởng lợi từ giá dầu thấp như phân bón (như DPM) có thể đạt kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ. Các DN ngành dệt may (như TCM, TNG, GMC) cũng bước vào quý vụ mùa và có khả năng đạt kết quả kinh doanh cao hơn cùng kỳ lẫn quý trước.

 

Nguyen Van Dung, Tp. HCM: Xin hỏi các chuyên gia, sự thay đổi tỷ giá của Việt Nam, cùng với động thái phá giá của Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng kinh doanh của TNG ở hiện tại và tương lai. Mối liên kết của USD, NDT, VND trong hoạt động của TNG. Có khó khăn hay thuận lợi gì khi trong thời gian tới của công ty này khi có sự thay đổi tỷ giá như như trong thời gian qua. Xin chân thành cảm ơn đội ngủ chuyên gia cùng tư vấn!

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc: Về sự thay đổi của tỷ giá, do khoản nợ bằng USD của TNG không lớn (chỉ chiếm 20% dư nợ dài hạn), trong khi doanh thu của DN này phần lớn được tính bằng USD, nên đồng USD tăng giá sẽ có ảnh hưởng tích cực nhẹ đến kết quả kinh doanh của TNG. Động thái phá giá NDT gần như không tác động đến triển vọng của TNG vào thời điểm hiện tại do mức độ phá giá VND cũng tương đương với mức giảm của NDT.

Những thuận lợi trong thời gian tới của TNG là kì vọng kí kết TPP, vì thị trường xuất khẩu của TNG phần lớn là các nước đang tham gia vào Hiệp định này (như Mỹ 47%, Canada 15%, Mexico 15% và Nhật Bản 6,5%). Ngoài ra, thị trường EU (chiếm 21% doanh thu xuất khẩu) cũng kì vọng khả quan sau Hiệp định thương mại tự do VN – EU được kí kết.

Khó khăn chính của TNG là DN này vẫn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Và khó khăn chung của ngành dệt may là giá nhân công và giá điện có xu hướng tăng.

 

10:52 09/09/2015

Nguyễn Việt Tân, 39 tuổi ở Hà Nội: Xin được hỏi như sau: hiện thị trường việt nam đang giao dịch theo sự ảnh hưởng lớn nhất của thị trường nào trên thế giới hiện nay và nếu Fed tăng lãi suất trong tháng 9 này thì liệu có tác động tiêu cực tơi TTCK Việt Nam hay không? Xin cảm ơn.

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc: Gần đây, không chỉ TTCK Việt Nam mà các TTCK khác cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi TTCK Trung Quốc, mà nguyên nhân cốt lõi là tâm lí bi quan của các NĐT trên toàn cầu về khả năng suy giảm của kinh tế Trung Quốc, từ đó khiến cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu trở nên kém tích cực.

Về việc Fed tăng lãi suất, chúng tôi cho rằng Fed sẽ thực hiện việc này một cách thận trọng. Chúng tôi quan sát thấy các NĐT đã có sự chuẩn bị tâm lý và hành động cụ thể, chẳng hạn như các dòng vốn vào các thị trường mới nổi đã suy giảm rõ rệt trong tháng 8, chỉ còn 35 tỷ USD từ mức 40 tỷ USD trong tháng 7. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 60 tỷ USD/ tháng trong năm trước.

Do vậy, chúng tôi cho rằng sau quyết định của Fed về việc tăng lãi suất trong tháng 9 này, thị trường có thể chỉ bị ảnh hưởng từ 2 đến 3 phiên. Diễn biến thị trường sau đó sẽ phụ thuộc vào triển vọng kinh tế Việt Nam và tình hình kinh doanh của DN niêm yết.

 

image 180 image 0