imageimage

image

undefined

Hợp đồng Tương lai tồn tại hai bên: bao gồm Bên Mua và Bên Bán Hợp đồng. Nhà đầu tư được coi là Bên Mua (tham gia vị thế mua) hoặc Bên Bán (tham gia vị thế bán) của hợp đồng khi đặt lệnh mua/ bán hợp đồng trên thị trường và được khớp lệnh đối ứng trên cơ sở giá và khối lượng. Nếu nhà đầu tư có nhu cầu mua tài sản cơ sở, hoặc/ và kỳ vọng giá của tài sản cơ sở sẽ tăng trong tương lai, thì nhà đầu tư sẽ tham gia vị thế mua Hợp đồng; ngược lại, nếu nhà đầu tư có nhu cầu bán tài sản cơ sở hoặc/ và kỳ vọng giá của tài sản cơ sở sẽ giảm trong tương lai, thì nhà đầu tư sẽ tham gia vị thế bán hợp đồng.

Khi hợp đồng được mở trên thị trường (lệnh mua và lệnh bán được khớp), TTLKCK sẽ bắt đầu thực hiện thanh toán bù trừ cho hợp đồng đó theo cơ chế Đối tác Bù trừ Trung tâm. Theo đó, vào cuối ngày giao dịch, dựa vào các mức giá thanh toán hàng ngày và giá mà nhà đầu tư đã tham gia vị thế mua/ bán hợp đồng, TTLKCK sẽ tính toán lãi/ lỗ của vị thế mà nhà đầu tư nắm giữ và thực hiện chuyển giao tiền từ bên lỗ cho bên lãi. Hoạt động này được gọi là Hạch toán hàng ngày và được diễn ra trong suốt quá trình nhà đầu tư tham gia hợp đồng.

Trong trường hợp đến ngày đáo hạn vẫn tồn tại vị thế mua/ bán hợp đồng thì bên Bán và bên Mua có nghĩa vụ thực hiện thanh toán cuối cùng. Trường hợp việc thanh toán là chuyển giao vật chất thì bên mua phải thanh toán tiền còn bên bán phải giao tài sản cơ sở theo hướng dẫn và quy định của TTLKCK.

Giới hạn vị thế được đặt ra nhằm ngăn ngừa việc một cá nhân hoặc tổ chức có thể nắm giữ số lượng hợp đồng quá lớn, qua đó gây ảnh hưởng đáng kể lên giao dịch của chứng khoán phái sinh. Việc sử dụng giới hạn vị thế sẽ giúp duy trì thị trường ổn định và công bằng, qua đó đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.

Sau khi tham gia vào hợp đồng, nhà đầu tư có thể nắm giữ hợp đồng cho đến thời điểm đáo hạn hoặc thoát khỏi hợp đồng trước khi hợp đồng đáo hạn. Để thoát khỏi vị thế đang tham gia, ví dụ vị thế bán, thì nhà đầu tư cần đặt lệnh đối ứng (vị thế mua) trên thị trường. Nếu lệnh này được khớp, thì nhà đầu tư được coi là đã thoát khỏi vị thế của mình.

Việc thoát khỏi hợp đồng (hay còn gọi là đóng vị thế) được nhà đầu tư thực hiện trong nhiều trường hợp:

  • Khi nhà đầu tư không có nhu cầu nắm giữ hợp đồng;
  • Khi nhà đầu tư có nhu cầu chốt lãi/ lỗ;
  • Khi nhà đầu tư đang nắm giữ số lượng vị thế vượt quá mức quy định;
  • Khi nhà đầu tư không đủ khả năng bổ sung ký quỹ theo yêu cầu;

Nguyên tắc thanh toán đối với HĐTL sẽ được quy định tại mẫu hợp đồng, theo đó việc thanh toán có thể được thực hiện dưới một trong hai hình thức sau:

Thanh toán bằng tiền: hình thức này thường được áp dụng cho một số loại HĐTL có tài sản cơ sở không thể chuyển giao (chỉ số cổ phiếu, lãi suất, thời tiết, kết quả bầu cử, v.v...) hoặc do tính chất phù hợp khi thiết kế sản phẩm nên được lựa chọn làm phương thức thanh toán cho sản phẩm đó. Giá trị tiền thanh toán sẽ được tính trên lãi/ lỗ của khoản ký quỹ của nhà đầu tư khi giá hợp đồng biến động trên thị trường.

Thanh toán bằng hình thức chuyển giao vật chất: áp dụng cho một số loại HĐTL có tài sản cơ sở có thể chuyển giao (cổ phiếu đơn lẻ, trái phiếu, hàng hóa, v.v….) hoặc do tính chất phù hợp khi thiết kế sản phẩm. Vào thời điểm đáo hạn, bên mua của HĐTL sẽ thực hiện chuyển tiền và bên bán HĐTL sẽ thực hiện chuyển giao tài sản cơ sở theo yêu cầu của Trung tâm Thanh toán Bù trừ, thông qua hệ thống thanh toán của Trung tâm.

Nguyên tắc giao dịch Hợp đồng tương lai có nhiều đặc điểm tương tự giao dịch của chứng khoán cơ sở (cổ phiếu, trái phiếu). Tuy nhiên, hợp đồng tương lai có một số đặc điểm khác biệt sau đối với chứng khoán cơ sở:

  • Tổng số lượng Hợp đồng Tương lai lưu hành không bị giới hạn: khác với cổ phiếu hay trái phiếu, Hợp đồng tương lai không có khái niệm tổ chức phát hành. Số lượng hợp đồng lưu hành trên thị trường phụ thuộc vào nhu cầu của nhà đầu tư.
  • Nhà đầu tư có thể tham gia vị thế bán hợp đồng tương lai mà không cần sở hữu tài sản cơ sở của hợp đồng đó. Nhà đầu tư không cần phải có đủ tiền bằng tổng giá trị của Hợp đồng để tham gia mua hợp đồng.
  • Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra một số tiền bằng một phần giá trị của Hợp đồng mà nhà đầu tư muốn tham gia. Đây chính là Lợi thế đòn bẩy của Hợp đồng Tương lai.

Với đặc điểm Lợi thế đòn bẩy, không bị giới hạn về số lượng hợp đồng lưu hành, có thể tham gia mua/ bán mà không cần sở hữu tài sản cơ sở/ đủ tiền, Hợp đồng Tương lai là một sản phẩm ưa thích của những nhà đầu tư với mục đích:
Phòng hộ rủi ro: nhà đầu tư có thể giảm thiểu các rủi ro về biến động giá của một loại tài sản bằng việc tham gia Hợp đồng Tương lai.
Đầu cơ: nhà đầu tư có thể kiếm lời với giá trị lớn dựa trên một khoản ký quỹ có giá trị nhỏ.
Tìm kiếm cơ hội chênh lệch giá: giá của Hợp đồng Tương lai và giá của Tài sản cơ sở của Hợp đồng thường biến động giống nhau, tuy nhiên trong một số trường hợp hai sản phẩm trên có biến động khác nhau, nhà đầu tư có thể tìm kiếm được lợi nhuận chênh lệch giá mà không phải bỏ ra bất kỳ khoản tiền nào.

Lợi thế đòn bẩy là một đặc điểm khác biệt của CKPS so với chứng khoán cơ sở. Về cơ bản, khi tham gia giao dịch HĐTL, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra một khoản tiền (Ký quỹ) có giá trị nhỏ hơn nhiều so với giá trị của hợp đồng mà nhà đầu tư muốn tham gia (giá trị hợp đồng). Ví dụ:

Nhà đầu tư có nhu cầu tham gia vị thế mua 01 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn vào tháng 09/2017 với giá là 703 điểm. Nhà đầu tư đặt lệnh mua 01 hợp đồng và được khớp trên thị trường với giá trên. Như vậy nhà đầu tư đã được ghi nhận bởi TTLKCK là đã tham gia 01 vị thế mua với giá 703 điểm.

Nếu tại mẫu hợp đồng tương lai chỉ số VN30 quy định: hệ số nhân của 01 hợp đồng là 100,000 VNĐ/điểm chỉ số thì:
Giá trị 01 hợp đồng bằng: 703 điểm * 100,000 VNĐ/điểm chỉ số = 70.3 triệu VNĐ

Tuy nhiên, nếu mức ký quỹ ban đầu được quy định là 13% thì thay vì bỏ ra 70.3 triệu, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra số tiền và/ hoặc tài sản có giá trị:
70.3 triệu * 13% = 9,139,000 VNĐ

Đây  được gọi là mức Ký quỹ Ban đầu.
Số tiền ký quỹ ban đầu này sẽ được TTLKCK sử dụng trong việc tính toán lãi/ lỗ của nhà đầu tư (nguyên tắc này được gọi là hạch toán theo giá thị trường). Ví dụ: khi giá hợp đồng tương lai tăng từ 703 lên 705 điểm, nhà đầu tư đang có lãi với giá trị bằng:
(705 – 703) *100,000 VNĐ/điểm chỉ số = 200,000 VNĐ

Nếu như giao dịch tại thị trường cơ sở, thì phần trăm lãi của nhà đầu tư sẽ chỉ bằng:
(705 – 703) / 703 * 100% = 0.28%

Tuy nhiên, đối với hợp đồng tương lai, thì phần trăm lãi của nhà đầu tư sẽ bằng:
(705 – 703) * 100,000 / 9,139,000 * 100% = 2.19%

Như vậy có thể thấy, một biến động nhỏ về giá của hợp đồng tương lai có thể tạo ra hiệu ứng lãi/ lỗ trên khoản đầu tư lớn hơn nhiều so với việc đầu tư vào các chứng khoán cơ sở.

Lợi thế đòn bẩy cũng chính là nguyên nhân gây ra rủi ro khi đầu tư vào hợp đồng tương lai. Khi giá của hợp đồng tương lai biến động theo chiều hướng có lợi (ví dụ: giá hợp đồng tăng đối với nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua, giá hợp đồng giảm đối với nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán), thì nhà đầu tư có thể ghi nhận một khoản lãi lớn trên giá trị ký quỹ ban đầu. Nhưng ngược lại, khi giá hợp đồng biến động theo chiều hướng bất lợi, nhà đầu tư có thể sẽ phải chịu những khoản thiệt hại lớn trên tài khoản ký quỹ trong thời gian rất ngắn.

Khi giá trị ký quỹ của nhà đầu tư xuống thấp hơn mức cho phép (mức Ký quỹ yêu cầu duy trì), nhà đầu tư phải nhanh chóng bổ sung ký quỹ. Nếu không bổ sung ký quỹ kịp thời, nhà đầu tư buộc phải đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế đang nắm giữ bằng việc đặt lệnh đối ứng trên thị trường. Khi đóng được vị thế, nhà đầu tư vẫn phải thanh toán các thiệt hại cho TTLKCK và công ty chứng khoán nếu giá trị ký quỹ của nhà đầu tư không đủ để chi trả.

Nhà đầu tư có thể sử dụng HĐTL để thay thế cho việc mua chứng khoán cơ sở (cổ phiếu chứng chỉ quỹ) để điều chỉnh danh mục đầu tư của nhà đầu tư. So với việc đầu tư vào các cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng tương lai chỉ số có một số ưu điểm sau:

  • Người đầu tư có thể “mua cả thị trường cổ phiếu” thông qua việc mua hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, thay vì phải mua từng cổ phiếu đơn lẻ hoặc phải đầu tư qua một công ty quản lý quỹ;
  • Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu mang lại lợi thế đòn bẩy cao hơn bất kỳ cổ phiếu đơn lẻ nào;
  • Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu chỉ cần yêu cầu phần vốn đầu tư thấp so với giá trị hợp đồng;
  • Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu có rủi ro thấp hơn việc mua và nắm giữ cổ phiếu đơn lẻ;
  • Đầu tư vào HĐTL chỉ số cổ phiếu, người đầu tư chỉ phải theo dõi diễn biến một chỉ số, không cần phải theo dõi hàng trăm cổ phiếu đơn lẻ;
  • Tính ứng dụng cao: một hợp đồng tương lai trên chỉ số có thể sử dụng làm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhiều danh mục chứng khoán khác nhau của nhà đầu tư;
  • Tính minh bạch và độ an toàn cao: do tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu bao gồm nhiều cổ phiếu thành phần, các hoạt động gây thao túng chỉ số sẽ khó thực hiện;
  • Hình thức thanh toán dễ dàng và tiện lợi: do tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu, không phải là một tài sản có thể chuyển giao, nên việc thanh toán hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu được thực hiện bằng tiền dựa trên lãi/ lỗ của các bên;
  • Việc thanh toán được Trung tâm Thanh toán Bù trừ thực hiện liên tục trong ngày đảm bảo giảm thiểu tối đa tính rủi ro đối tác của hợp đồng.

Với các lợi ích trên, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu là sản phẩm được ưa chuộng nhất tại thị trường chứng khoán phái sinh trên các Sở Giao dịch Chứng khoán trên thế giới, với độ thanh khoản cao, được nhà đầu tư quan tâm.