Nhu cầu tín dụng sẽ duy trì ở mức cao
Theo thống kê của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2/2022 đạt xấp xỉ 2,7% so với đầu năm, chỉ tăng nhẹ so với mức tăng 2,5% của tháng 1/2022. Như vậy, tăng trưởng tín dụng tháng 2 không thay đổi nhiều so với tháng trước, phù hợp với quy luật nhiều năm khi nhu cầu vay vốn chững lại trong giai đoạn Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, theo ước tính của NHNN, đến hết tháng 3/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 5,0% và tính đến 19/4 ước đạt 6,4%. Song song với diễn biến trên, dư nợ tín dụng của riêng TP.HCM tính đến cuối tháng 4/2022 đạt 3 triệu tỷ đồng (tương đương 27% dư nợ toàn hệ thống), ghi nhận mức tăng trưởng khá cao khoảng 7% so với đầu năm.
Cán cân thương mại thặng dư trở lại trong tháng 3/2022
Trong tháng 3, xuất khẩu Việt Nam tiếp tục khởi sắc với mức tăng 17,0% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 15,5% trong tháng 2/2022. Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI tiếp tục cải thiện với mức tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 14,9% của khu vực trong nước. So với hai tháng đầu năm, đà tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước cho thấy dấu hiệu chững lại trong tháng qua. Khác với hai tháng đầu năm, nhập khẩu trong tháng 3/2022 tăng chậm hơn xuất khẩu, tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 22,3% trong tháng 2/2022. Xu hướng tăng chậm lại ở chiều nhập khẩu khá tương đồng đối với cả hai khu vực FDI và trong nước. Do đà tăng của nhập khẩu thu hẹp, cán cân thương mại ghi nhận mức thặng dư khoảng 2,0 tỷ USD trong tháng qua. Lũy kế từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cả nước tăng 13,4% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 15,2%, thặng dư thương mại trong Q1/2022 ước đạt 1,5 tỷ USD, thấp hơn mức thặng dư 2,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.